Gặp gỡ anh Nguyễn Tiến Hưng – Trưởng phòng phát triển sản phẩm của NokaSoft
Gặp gỡ anh Nguyễn Tiến Hưng – Trưởng phòng phát triển sản phẩm của NokaSoft
Chào mọi người ! Tôi là Quỳnh thuộc bộ phận Marketing của công ty NokaSoft.
Hôm nay, tôi đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với trưởng phòng bộ phận phát triển sản phẩm của công ty NokaSoft, anh Nguyễn Tiến Hưng. Anh Hưng bắt đầu sự nghiệp tại vị trí Developer, sau 3 năm làm việc , anh đã bắt đầu làm Manager cho một công ty lớn trong nước. Năm 2021 anh nhận lời làm việc cho NokaSoft và hiện đang đảm nhiệm vị trí trưởng phòng phát triển phần mềm của công ty.
Sau đây, anh sẽ chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những cảm xúc đặc biệt của mình khi làm việc tại NokaSoft.
Q. Xin chào anh Hưng. Anh có thể chia sẻ với mọi người về công viêc hằng ngày của mình để mọi người có thể hiểu hơn về công việc của anh được không?
Mỗi công ty sẽ có một nhiệm vụ cụ thể cho vị trí này. Nhìn chung, thì nhiệm vụ chính là sẽ theo sát đội ngũ kỹ thuật. Tại một Start-up như NokaSoft với vai trò là một trưởng phòng phát triển sản phẩm tôi phải làm đảm nhiệm nhiều hơn thế. Công việc hàng ngày của tôi bao gồm việc xây dựng một team kỹ thuật và quản lý họ. Điều đầu tiên tôi làm khi tới công ty là lập 1 danh sách (blue-list) để xem mình dùng thời gian cho việc gì trong ngày để công việc được tiến hành hiệu quả hơn. Cụ thể hơn như là tôi sẽ xem công việc tiến độ ra sao, mọi người có cần tôi hỗ trợ gì không, rồi review công việc của mọi người, sau đó tôi sẽ trao đổi với bộ phận kỹ thuật và Marketing coi có gì cần cập nhật hoặc chuẩn bị cho planning kế tiếp của team không để xác định hướng phát triển phù hợp với công ty, đôi khi tôi sẽ hỗ trợ mọi người ở các phần việc khác nhau nữa.
Ngoài ra thì tôi cũng dành khá nhiều thời gian để đi kết nối gặp các bạn có cùng chí hướng để xây dựng team và thỉnh thoảng cũng đi gặp khách hàng để trao đổi về chiến lược công nghệ đồng thời cũng tiếp nhận những ý kiến phản hồi của họ để đưa ra các thông báo cải tiến cần thiết và các thay đổi công nghệ cần có.
Q. Anh có thể chia sẻ đôi nét về môi trường làm việc cũng như sức hấp dẫn khi làm kỹ sư cho NokaSoft không?
Tại NokaSoft các kỹ sư sẽ không bị giới hạn, tôi nghĩ điều tạo nên sức hấp dẫn cho NokaSoft chính là việc các kỹ sư có độ tự do và quyết định rất cao.
NokaSoft xác định 3 giá trị (phương châm hành động của nhân viên )của công ty là : Initiative (sáng kiến), Liberty (tự do) và Creativity (sáng tạo).
Cụ thể là các kỹ sư có thể tự do chọn thời gian, nơi làm việc để thực hiện công việc một cách tối ưu. Ngoài ra họ cũng có thể đề xuất và thực hiện các cải tiến trong công việc dù ở bất kể vị trí nào.
Q. Xin anh chia sẻ một chút về những kết quả nổi bật của NokaSoft sau hơn một năm thành lập?
Sau hơn một năm hoạt động chúng tôi đã triển khai thành công NokaHub – nền tảng số kết nối nhà sản xuất, người nông dân có sản phẩm chất lượng với người tiêu dùng, sử dụng nền tảng số để tối ưu chuỗi cung ứng trong nông nghiệp đồng thời minh bạch thông tin sản phẩm. NokaHub đã liên kết và bán hàng cho hơn 700 nhà sản xuất, hộ nông dân với hơn 1.000 loại nông sản đến từ nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước. Nhắm đến mục tiêu dùng công nghệ để nâng cao giá trị nông sản Việt, NokaHub đặt vấn đề truy xuất nguồn gốc là điều kiện bắt buộc lên sàn cho mọi nhà sản xuất hoặc nông dân, đồng thời làm thương hiệu riêng cho những nông sản bản địa độc đáo nhưng khó cạnh tranh ở các sàn lớn vì chưa có thế mạnh thương hiệu.
Q. Vậy theo anh, để đạt được những thành quả đó, với vai trò là một trưởng phòng thì điều quan trọng nhất là gì?
Theo tôi để đạt được những thành quả đó thì cần phải có 4 yếu tố sau sau
• Thứ 1, trưởng phòng phát triển sản phẩm thì phải giỏi về công nghệ, vì bạn phải chịu trách nhiệm trả lời mọi thứ về công nghệ, nó có triển khai được không và mọi thứ thì bạn phải có một độ hiểu sâu nhất định, không chỉ cho những thứ đang diễn ra mà cho mọi thứ sắp tới nữa, đó là điều quan trọng nhất.
• Điều thứ 2 bên cạnh coding thì bạn phải biết cách xây dựng 1 team hoàn chỉnh, bởi nếu làm 1 mình thì bạn sẽ không làm được những việc lớn, việc khó khăn nhất là tìm ra những người cùng chí hướng, từ đó giúp họ, cùng họ phát triển và trụ lại ở lại công ty. Nhìn chung thì chiến lược của công ty có thể thay đổi lên xuống, nhưng tôi có một team mạnh thì mình làm gì cũng được.
• Yếu tố thứ 3 là phải biết cách để giúp cho team của mình triển khai được sản phẩm hoặc ý tưởng. Tiêu biểu là phải đưa người thích hợp làm công việc thích hợp qua việc liên tục hướng dẫn cho họ. Ngoài ra, em cũng cần phải hiểu rõ quy trình phát triển sản phẩm để ra quyết định người này có thích hợp làm trong môi trường này không.
• Và cuối cùng tôi nghĩ điều mà một trưởng phòng phát triển sản phẩm cần phải có là hiểu rõ và theo sát quy trình làm sản phẩm vì có rất nhiều thứ cần phải làm trong việc xây dựng nên một sản phẩm tốt. Một điều quan trọng trong quá trình này là phải đưa ra hướng xây dựng sản phẩm đúng và thích hợp với đội ngũ nhân viên mình đang có.
Tôi nghĩ đó là 4 yếu tố cơ bản nhất, còn một điều tôi nghĩ là cũng quan trọng không kém là phải học để tìm ra những công nghệ mới đem vào ứng dụng cho công ty. Trong thế giới này, công nghệ phát triển rất nhanh và ngày càng nhanh hơn vì thế tôi cũng cần phải để ý những công nghệ mới mà có thể giúp team của bạn đỡ vất vả hơn và tiết tiệm thời gian làm việc hơn.
Q. Với tư cách là người đứng đầu đội ngũ phát triển sản phẩm anh có trực tiếp tham gia code hay trực tiếp đảm nhiệm công việc nào?
Từ lúc triển khai ban đầu, khi chưa thực sự có gì thì tôi phải làm tất cả mọi thứ. Làm từ code như một developer, test như một QC, làm sản phẩm để có UI prototype, hay DevOps rồi system deploy tất cả mọi thứ. Sau này khi có một team hoàn chỉnh, mọi người cũng hỗ trợ tôi rất nhiều. Vì vậy mà phần việc của tôi sẽ giảm bớt, tôi cũng có nhiều thời gian hơn đi trao đổi, gặp gỡ khách hàng nắm bắt được nhu cầu của thị trường và có đề xuất dự án công nghệ hiệu quả nhất. Ngoài ra khi thấy mọi người đang gặp khó khăn ở đâu thì tôi cũng phải xắn tay áo lên để hỗ trợ. Hay đôi khi tôi có một ý tưởng công nghệ muốn thử nghiệm và triển khai nhanh chóng thì tôi sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu và triển khai ý tưởng đó.
Q. Tuổi đời còn rất trẻ nhưng anh đã nắm giữ vị trí trưởng phòng của một đơn vị chiến lược của NokaSoft, đâu là thế mạnh giúp anh đạt được những thành công này? Tuổi tác liệu có là yếu tố thuận lợi hay cản trở đối với những ai đang làm về lĩnh vực CNTT không?
Với tôi thành công và hạnh phúc là tạo giá trị cho nhiều người. Tôi nghĩ rằng đi nhanh hay chậm không quá quan trọng, chỉ cần bản thân không quay đầu lại thì đích của mình lúc nào cũng ở phía trước. Tôi không quan niệm rằng tuổi nào phải đạt được một vị trí nào đó. Chỉ cần một ngày mình làm và cảm thấy thực sự yêu thích công việc mình đang làm và cống hiến cho nó là được rồi.
Cá nhân tôi nghĩ rằng các bạn trẻ sẽ thích nghi tốt hơn và sẵn sàng học hỏi cầu tiến hơn. Nhưng các bạn sẽ thiếu kinh nghiệm và các mối quan hệ. Tại NokaSoft tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bạn trẻ phát triển hết khả năng của mình.
Q. Anh có thể chia sẻ cách làm việc với team mà anh cho là hiệu quả nhất?
Theo tôi hãy theo sát và luôn bên cạnh các đồng đội của mình. Không phương tiện nào thay thế được việc trao đổi trực tiếp với họ. Những notification liên tục trên laptop của bạn từ các phần mềm quản lý như JIRA, Blacklog, Airbrake hay các cập nhật từ Slack và Github khiến bạn có cảm nhận sai rằng bạn đang làm chủ được mọi thứ. Trong thực tế, những công cụ này khiến bạn không phát hiện ra những vấn đề thực sự có thể xuất hiện trong code hay trong team của bạn. Một giải pháp của tôi cho vấn đề này là nên nói chuyện trực tiếp với các bạn đồng nghiệp. Sẽ có những vấn đề mà bạn nghĩ nó đơn giản nhưng khi nói ra, trao đổi với nhau thì mới biết mình đã bỏ sót một chuyện lớn như vậy.
Q. Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn developer trong công việc nâng cao kỹ năng cũng như con đường sự nghiệp sắp tới.
Tôi nghĩ điều quan trọng là các bạn phải có tinh thần làm việc chăm chỉ và sẵn sàng đón nhận tất cả, dù đó là những công việc họ không sẵn sàng, không thích làm, hay kể cả những công việc mà họ phải làm từ đầu. Đặc biệt bạn cần phải tò mò tiếp thu những kiến thức mới bằng cách tích cực tham gia các cộng đồng lập trình viên hay học hỏi qua các chuyên gia CNTT. Bên cạnh đó cũng cần trau dồi những kỹ năng cần thiết cho lập trình viên như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tự giải quyết vẫn đề, kỹ năng tìm kiếm … . Những kỹ năng này sẽ hỗ trợ sự nghiệp của bạn rất nhiều trong quá trình làm việc. Bạn sẽ có cơ hội trở thành team leader khi có cả kinh nghiệm chuyên môn và kỹ năng quản lý tốt.
Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện vừa rồi !
Chúc anh thật nhiều sức khỏe và thành công hơn trong con đường sự nghiệp sắp tới !